Đây là một trong 4 nội dung mà Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi trong cuộc gặp trợ lý Thủ tướng Nhật Bản, ông Nakatani Gen.
Sáng 20/9, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và trợ lý Thủ tướng Nhật Bản, ông Nakatani Gen hội đàm cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có chương trình thực tập sinh kỹ năng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng được tiếp đón ông Nakatani Gen đến thăm và làm việc tại trụ sở Bộ. Ông cảm ơn các cơ quan Nhật Bản trong việc phối hợp với Việt Nam triển khai nhiều chương trình hiệu quả, trong đó, lĩnh vực hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
“Đến thời điểm hiện nay, số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật đã lên tới 370.000 trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Đó là minh chứng rõ nét cho hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực này.
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không chỉ dừng ở hợp tác chiến lược giữa hai nước mà còn thể hiện mối quan hệ bạn bè thân thiện trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm các qui định chính sách, nhất là vi phạm về vấn đề thu phí với người lao động.
Tại cuộc gặp Trợ lý Thủ tướng Nhật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ và đề xuất thêm một số vấn đề liên quan đến chế độ tiền lương, trợ cấp đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam cũng như người lao động các nước trong bối cảnh đồng Yên đang giảm giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
“Trong thời gian qua, thực tập sinh Việt Nam đã rất vất vả do chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid -19. Hiện nay, các lao động lại bị giảm bình quân 30% thu nhập do tác động của tỷ giá đồng Yên, cuộc sống càng vất vả hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong phía Nhật điều chỉnh chính sách tiếp nhận, tăng lương tối thiểu, cho thực tập sinh Việt Nam được hưởng các quy chế bình đẳng như áp dụng với một số quốc gia khác.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Nhật Bản tăng cường đổi mới các chính sách, tiếp nhận một cách công bằng, quan tâm thực chất đến quyền lợi người lao động vì mục tiêu hài hòa lợi ích của 2 quốc gia trong thời gian tới.
“Có thêm những chính sách này, tôi tin sẽ thu hút được lực lượng lao động trẻ, có chất lượng của Việt Nam tham gia các chương trình tu nghiệp tại Nhật”, ông Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, đặc biệt là đánh giá lại chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn hai bên trong phối hợp thực hiện.
“Tôi mong muốn Nhật Bản xem xét mở rộng các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh người Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghề lái xe…
Đây là những ngành, nghề người lao động Việt Nam có nhiều thế mạnh, nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng, nếu đã qua đào tạo cơ bản”, ông Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị phía Nhật miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện việc tuyển chọn lao động kỹ năng đặc định theo quy định tại thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.
“Hiện nay, du học sinh, người lao động Việt Nam đang bị đánh 2 loại thuế, thuế cư trú và thuế thu nhập, trong khi Nhật Bản không áp dụng 2 loại thuế này với lao động của nhiều quốc gia khác.
Vì việc đánh 2 lần thuế như vậy, thu nhập còn lại của thực tập sinh, trên thực tế là rất thấp, khó đảm bảo được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khuyến cáo và mong trợ lý Thủ tướng Nhật lưu tâm vấn đề này.
Sau khi lắng nghe những đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Nakatani Gen ghi nhận các ý kiến và khẳng định sẽ nêu vấn đề tại cuộc làm việc với các cơ quan chức năng chuyên trách của Nhật Bản vào tháng 12 hàng năm.
“Chúng tôi sẽ có các thảo luận cụ thể về những đề nghị mà ngài bộ trưởng đã nêu, từ đó có những chính sách phù hợp, bảo đảm lợi ích người lao động không chỉ của Việt Nam mà sao để lao động của các nước được bình đẳng nhất”, ông Nakatani Gen nói.
Bên cạnh đó, trợ lý thủ tướng Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam về việc cử điều dưỡng, hộ lý sang Nhật làm việc. Ông Nakatani Gen thông tin thêm, về các chế độ đãi ngộ, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã và đang xem xét tạo điều kiện cho điều dưỡng, hộ lý Việt có môi trường làm việc tốt hơn, tăng sức hút với lao động các nước trong ngành nghề này sang Nhật làm việc.
Theo báo Dân Trí